Làm Việc Với Những Sự Khác Biệt Của Chúng Ta

Theo phương pháp của Kinh Thánh
 

 
“Ấy chẳng những vì họ mà Con cầu xin thôi đâu, nhưng cũng vì kẻ sẽ nghe lời họ mà tin đến Con nữa; để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta, đặng thế gian tin rằng chính Cha đã sai Con đến” (Giăng 17:21, 21).
 
Chỉ một vài giờ trước khi Ngài chịu hy sinh vì thế gian tội lỗi này, Đức Chúa Giê-su đã khẩn thiết cầu xin với Cha Ngài để Ngài ban cho những đức tính cần thiết cho những người đặt đức tin nơi Ngài và rao báo về tin lành của sự cứu rỗi Ngài. Đức Chúa Giê-su biết rằng có một điều rất cần thiết cho họ, còn cần thiết hơn cả sự can đảm, sự an toàn, tài hùng biện hoặc sự kiên nhẫn, bền chí: đó chính là họ cần phải biết trân trọng giá trị và duy trì sự hiệp nhất mà Chúa ban cho họ, hầu cho họ luôn luôn có thể làm gương cho hội thánh của Ngài. 

Lời cầu nguyện của Đức Chúa Giê-su hoàn toàn thích hợp cho những nhu cầu của các môn đồ Ngài. Như chúng ta thấy trong bài World Vista của tháng 6 vừa qua, bài “Những xung đột trong hội thánh”, cho thấy rằng những năm đầu của hội thánh thời ban đầu là thời kỳ của sự ban ra quyền phép từ trời cũng như sự yếu đuối của nhân loại. Trong bài đó, chúng ta đã xem xét đến một vài thử thách cụ thể mà hội thánh phải đương đầu và họ đã vượt qua những thử thách đó như thế nào. Chúng ta có thể xem lại theo đường dẫn sau: (http://www.adventistworld.org/issue.php?issue=2012-1006&page=8In).
Dựa trên nền tảng đó, chúng ta giờ đây sẽ nghiên cứu kỹ càng hơn phương cách mà các sứ đồ đã đưa ra những vấn đề trước hội thánh tại giáo hội nghị tại thành Giê-ru-sa-lem được ghi lại trong sách Công Vụ 15. 

Những kinh nghiệm mà qua đó chính Đức Thánh Linh đã hướng dẫn các người tin kính thuở ban đầu mang lại sự hướng dẫn rõ ràng cho hội thánh Chúa ngày hôm nay. Nói một cách rõ ràng và cụ thể hơn, chúng ta có thể học hỏi rất nhiều về bài học làm sao để người ngoại có thể trở thành thuộc viên của hội thánh. Theo như sự ghi chép lại của Lu-ca, chúng ta thấy rất rõ ràng rằng trải qua nhiều năm có rất nhiều cuộc tranh cãi chung quanh vấn đề này. Và vấn đề này cuối cùng lên đến đỉnh điểm của sự tranh cãi khi những tín đồ từ xứ Giu-đa đi lên đến thành An-ti-ốt, và họ đã tuyên bố rằng những người ngoại chỉ có thể được cứu nếu như họ cũng cùng chịu phép cắt bì và chịu giữ theo các luật lệ của Môi-se, đặc biệt là những luật lễ nghi (Công vụ 15: 1,5). 

Sự tranh cãi trở nên dữ dội đến nỗi có nhiều người e sợ rằng sẽ có sự chia rẽ trong hội thánh thời bấy giờ. Những tín đồ tại thành An-ti-ốt đã thúc giục Phao-lô, Ba-na-ba và các trưởng điểm nhóm của địa phương cùng đi lên thành Giê-ru-sa-lem để cùng trình ra vấn đề này trước toàn thể các sứ đồ và các trưởng lão trong một cuộc họp mà có thể ngày nay được gọi là “đại hội đồng tổng hội toàn cầu” lần đầu tiên. Trong cuộc họp này có các đại biểu đến từ các hội thánh, họ cùng họp lại, cùng suy nghĩ, cùng thảo luận và cùng cầu nguyện chung với nhau. Bà Ellen G. White cho chúng ta biết rằng, các sự thảo luận trong cuộc họp đó rất ấm áp! (hãy xem trong quyển Công vụ của các sứ đồ, trang 190, 191). Vì có nhiều ý kiến khác nhau chung quanh những vấn đề đang xảy ra tại buổi họp, cho nên một điều rất quan trọng cần chú ý là chúng ta hãy xem xét kỹ càng phương cách mà các sứ đồ và các trưởng lão đã sử dụng để cùng đạt được đến sự đồng tâm, nhất trí. 
 
Tinh Thần Hợp Tác
Những lời của Lu-ca trong Công-vụ 15:2,7 có thể được hiểu theo 2 hướng: tích cực theo nghĩa “học hỏi, nghiên cứu”, hoặc là tiêu cực theo nghĩa “bất đồng” hoặc thậm chí “tranh cãi”.1 Thái độ - tinh thần – khi chúng ta bắt đầu xem xét những vấn đề tranh cãi có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của cuộc thảo luận: liệu chúng ta có nghiêm túc muốn thật sự học hỏi, hay chúng ta chỉ muốn lý sự và tranh cãi? Chúng ta có sẵn lòng để lắng nghe – thật tâm lắng nghe – những người mà chúng ta không đồng tình với? Chúng ta có tin rằng Chúa có thể dạy dỗ chúng ta một điều gì đó khi chúng ta cùng nhau nghiên cứu để cùng tìm được câu trả lời? 

Cách đây hơn một thế kỷ, bà Ellen White đã viết rằng: “chúng ta cần phải có sự khôn ngoan lớn hơn những gì chúng ta đang có và thể hiện sự khôn ngoan đó qua việc chúng ta đối nhân xử thế với những người có những quan điểm đức tin thật khác với những quan điểm của chúng ta”.2“Thật không thích hợp cho bất cứ ai tự xưng mình là người theo Đấng Christ nhưng lại hay gay gắt, chỉ trích, và cười nhạo quan điểm của những người khác. Tinh thần hay chỉ trích, lên án người khác hoàn toàn làm cho người đó trở nên không thích hợp để có thể nhận lãnh lấy ánh sáng mà Chúa muốn ban cho họ, hoặc ngăn cản họ để họ có thể nhận biết được những bằng chứng của lẽ thật.” 
 
Sự Chỉ Dẫn Từ Chúa – Những Sự Hiện Thấy Được Ban Cho
Một yếu tố quan trọng khác trong cách giải quyết vấn đề được sử dụng tại Giáo hội nghị tại thành Giê-ru-sa-lem là những vấn đề được trình bày bằng cách kể lại chi tiết những sự hướng dẫn từ nơi Chúa qua các sự hiện thấy để cung cấp những sự thúc đẩy cho hội thánh để hội thánh có thể hiểu được sứ mệnh của mình trong giai đoạn mới này. Bài giảng được ghi lại đầu tiên của Phi-e-rơ tại Giáo Hội Nghị nhắc lại về sự chọn lựa của Đức Chúa Trời mà qua đó dân ngoại được nghe và biết đến sứ điệp của tin lành và tin theo (Công-vụ 15:7). Trong Công-vụ 10 đã nêu lên chi tiết về điều này: Chúa đã ban cho Phi-e-rơ sự hiện thấy đến 3 lần, cũng như sự hiện thấy đã ban cho Cọt-nây, điều này đã dẫn đến sự chấp nhận sứ điệp tin lành và sự tuôn đổ của Thánh Linh trên đội trưởng cũng như cả gia đình của ông. Sự hiện thấy của Phi-e-rơ đã được kể lại 2 lần và giải thích rõ ràng (Công-vụ 10:28), cũng tương tự như sự hiện thấy của Cọt-nây. (Công-vụ 11:13, 14). 

Tại giáo hội nghị, cũng đã có nhiều lời chứng xúc động về sự vận hành của Chúa qua Phi-e-rơ, Phao-lô, và Ba-na-ba về sự cứu rỗi dành cho dân ngoại, và những điều này xác nhận lại những gì thiên đàng muốn ám chỉ qua những sự hiện thấy được ban cho (Công-vụ 15:8-12). Đức Thánh Linh đã sử dụng ơn ban cho tiên tri để hướng dẫn hội thánh bước tới trong chức vụ của mình trên toàn thế giới. 
 
Sự Thảo Luận và Học Hỏi 
Xét từ góc độ vắn tắt mà chúng ta có, chúng ta thấy rằng cũng phải mất một khoản thời gian cho những đại biểu của giáo hội nghị để có thể đi đến sự đồng thuận dựa trên nền tảng Kinh Thánh để có thể biết được ý muốn của Chúa trong vần đề được nêu ra (cũng giống như trước khi lễ Ngũ Tuần, khi các môn đồ họp lại và quyết định chọn lại sứ đồ thứ 12) [Công-vụ 1:15-26]. Sau khi hai bên đã cùng nhau thảo luận rất nhiều, Gia-cơ nhận thấy được sự ứng nghiệm của lời tiên tri dựa theo những gì các sứ đồ đang nói đến và đã trích dẫn trong sách A-mốt 9:11, 12 (hãy xem Công-vụ 15:16, 17) để biết chắc rằng thật sự Chúa đã chọn lựa dân sự Ngài từ giữa vòng dân ngoại để hiệp lại với những người Giu-đa tin kính. 

Khi ông kết luận rằng những người ngoại tin theo đạo không cần phải giữ theo tất cả những luật của người Giu-đa, nhưng chỉ cần vâng giữ theo 4 điều luật căn bản hầu cho họ có thể cùng hòa nhập và cùng nhóm lại chung với những người Giu-đa tin kính, Gia-cơ đã tuyên bố rằng “biểu quyết đã được chấp thuận và thông qua tại giáo hội nghị.”3 Bốn điều luật căn bản này tượng trưng cho những tiêu chuẩn tối thiểu dành cho người ngoại nào có ước muốn sinh sống cùng với dân Y-sơ-ra-ên trong thời của mÔi-se, và vì thế đã được áp dụng trong trường hợp tại giáo hội nghị cũng theo tiêu chuẩn đó. (so sánh Công-vụ 15:20 với Lê-vi-ký đoạn 18-20). Những quyết định được đưa ra tại Giáo hội nghị tại thành Giê-ru-ra-lem không phải được đưa ra 1 cách tùy tiện, những giải pháp thực tế đó không phải được đưa ra dựa trên những nhu cầu nhất thời hay trong chốc lát, mà đó chính là kết quả của sự cầu nguyện khẩn thiết cộng với sự nghiên cứu cẩn thận Lời của Chúa hầu cho những gì họ cùng khám phá ra được sẽ là ý muốn mà Chúa muốn bày tỏ cho họ. 
 
Một Quy Trình Thành Công 
Chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng cả tại thành An-ti-ốt cũng như tại thành Giê-ru-sa-lem, đã có những cuộc thảo luận “sôi nổi” khi mà tất cả đều có thể chia sẻ những gì họ nghĩ, những gì họ tin tưởng chung quanh những vấn đề đang bàn cãi và thật lòng nhìn nhận những điểm khác biệt giữa họ. Khi những ý kiến trái ngược nhau trở nên quá lớn gây ra tranh cãi tại An-ti-ốt, tất cả các bên đều thống nhất sẽ mang vấn đề tranh cãi đó đến giáo hội nghị tại thành Giê-ru-sa-lem, nơi mà có nhiều đại biểu từ khắp các hội thánh cùng họp lại. Trong khi chờ đợi, thì tất cả các bên cùng thống nhất sẽ dừng những cuộc tranh cãi lại, và sẽ cùng kiên nhẫn chờ đợi quyết định của giáo hội nghị, mà quyết định đó sẽ “được công nhận toàn cầu bởi các hội thánh trong toàn lãnh thổ.” 4Việc chờ đợi thật sự không có dễ dàng chút nào, vì nó đòi hỏi họ phải nhượng bộ những gì họ đang tin tưởng là đúng, là phải và nên biểu quyết ngay lập tức để nhường chỗ cho việc chấp thuận sự khôn ngoan và quyết định của một nhóm khác lớn hơn.

Tại thành Giê-ru-sa-lem, sau khi có một cuộc “thảo luận sôi nổi” khác, thì sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh chính là bằng chứng khi Phi-e-rơ đã tường thuật lại sự chỉ dạy của Chúa thông qua những sự hiện thấy ban cho ông, và bằng chứng chính là dân ngoại (và cả dân Giu-đa) đã nhận được sự ban cho của Đức Thánh Linh. Những kinh nghiệm này đã được xác nhận lại bởi lẽ thật của Kinh Thánh, và đã đưa đến sự đồng thuận rằng dân ngoại chỉ cần thay đổi và vâng theo những luật lệ ghi rõ chỉ định cho dân ngoại ghi lại trong sách Lê-vi-ký. 
 
Noi Theo Gương Trong Kinh Thánh
Ngày hôm nay, khi chúng ta gặp phải những khó khăn và thử thách trong hội thánh, điều tối quan trọng là chúng ta cũng noi theo những gương ghi lại trong Kinh Thánh để cùng làm việc với nhau và cùng tìm ra giải pháp chung. Tại đại hội đồng tổng hội toàn cầu tổ chức tại Atlanta vào năm 2010, một trong những đại biểu, vị hội trưởng của tổng hội Hoa Kỳ “đã kêu gọi giáo hội hãy cùng xem xét lại việc phong chức.”5 Chúng ta đã lắng nghe ý lời kêu gọi này cách nghiêm túc, và các ban điều hành của giáo hội đã chuyên tâm xem xét và nghiên cứu toàn diện về việc phong chức trên toàn thế giới, bào gồm cả việc có thích hợp hay không việc phong chức cho phụ nữ trong những công tác truyền bá tin lành. 

Quy trình đó hiện nay đang được tiến hành tại tất cả 13 tổng hội của giáo hội Cơ Đốc trên toàn thế giới, và những hội đồng nghiên cứu Kinh Thánh (BRC) cũng đã được thành lập. Trong những cuộc họp này, rất nhiều cuộc thảo luận, nghiên cứu và cầu nguyện đã diễn ra. Những suy nghĩ khác nhau đã được chia sẻ; những khía cạnh khác nhau của việc phong chức cũng được nghiên cứu. Những thành viên của những hội đồng này nghiên cứu này sẽ cố gắng để tìm được càng nhiều tiếng nói chung với nhau cáng tốt, và khi có những sự khác biệt nhau xuất hiện, những bản tường trình khác nhau sẽ được những nhóm khác nhau trong hội đồng nghiên cứu trình bày. 

Vào tháng 11 năm 2013, ban hội đồng quản trị của mỗi tổng hội khi họp cuộc họp cuối năm sẽ xem xét lại những cuộc nghiên cứu và những bản báo cáo, tường thuật đã được hội nghị nghiên cứu Kinh Thánh của tổng hội mình chẩn bị, và sau đó sẽ chọn ra những kết luận để đưa lên cho hội đồng thần học nghiên cứu về việc phong chức xem xét. Ban quản trị của Tổng Hội toàn cầu sẽ chỉ định các thành viên cho hội đồng nghiên cứu cấp cao này, và hội đồng này sẽ bao gồm những đại biểu thích hợp từ mỗi tổng hội trên toàn thế giới. 

Hội đồng cấp cao này sẽ cẩn thận xem xét và cân nhắc lại những tài liệu nhận được từ tất cả các hội nghị nghiên cứu Kinh Thánh của các tổng hội, và sẽ soạn ra 1 bản báo cáo tổng hợp vào tháng 6 năm 2014. Bản báo cáo đó sẽ được các viên chức của tổng hội toàn cầu và các thành viên ban quản trị của tổng hội toàn cầu cùng xem xét lại. Sau đó, vào tháng 10 năm 2014, bản báo cáo đó sẽ được chia sẻ với các ủy viên ban quản trị của giáo hội tại hội đồng thường niên — tức hội đồng cấp cao nhất giữa các tổng hội của tổng hội toàn cầu, được tổ chức mỗi 5 năm. Và hội đồng này, tượng trưng cho những cấp bậc lớn nhất cả chiều rộng và chiều sâu của giáo hội trên toàn thế giới, sẽ xem qua bản báo cáo và quyết định xem bước kế tiếp nên làm làm gì. 

Trong suốt quá trình cẩn thận và kiên nhẫn này, những cuộc thảo luận mở và nghiên cứu luôn được khuyến khích và chúng tôi mời gọi tất cả các thành viên trên toàn thế giới cùng cầu nguyện cho việc nghiên cứu quan trọng này.  

Cùng Đến Với Nhau Trong Đấng Christ
Ngay từ buổi ban đầu của phong trào tái lâm và của giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm, các thuộc viên đã khám phá được sự hiệp nhất bằng cách lấy Đấng Christ và lời của Ngài làm trọng tâm. Khi chúng ta học hỏi lời của Chúa qua sự soi dẫn của Đức Thánh Linh, chúng ta học được cách sống chung với nhau như các chi thể trong thân thể của Đấng Christ với những sự khác biệt và đa dạng của chúng ta. Điều chắc chắn không thể tránh được là sẽ có những sự bất đồng về những ý kiến ngay cả ỏ giữa vòng những người tin kính trung tín nhất. Vì lý do đó, giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm đã luôn luôn cũng làm việc với các tổng hội thuộc toàn cầu tổng hội qua các cuộc hội đồng, tổ chức mỗi 5 năm; và làm việc với các uy viên ban quản trị, tổ chức xen kẽ giữa các cuộc hội đồng của toàn cầu tổng hội. Trong những cuộc hội nghị này, các đại biểu và các ủy viên ban quản trị sẽ cũng thiết lập nên sự hiểu biết lẫn nhau mà qua đó, các hội thánh trên thế giới có thể xác tín niềm tin Kinh Thánh của mình, có thể tổ chức những cuộc bố đạo để rao truyền về sứ mạng ba Thiên Sứ, và có thể nuôi dưỡng phần thuộc linh cho các thành viên, và giữ họ trong mối tương giao với Đấng Christ. 

Sự hiệp nhất đã được đề cập đến rất nhiều lần tại các cuộc hội đồng của toàn cầu tổng hội và những cuộc hội họp khác khi Đức Thánh Linh dẫn dắt hội thánh trải qua các thời kỳ khó khăn. Mặc dù mọi ý kiến khác nhau đều có thể được trình bày cách thẳng thắng, tuy nhiên, chúng ta giao ước rằng sẽ cùng làm việc chung với nhau như một tổ chức toàn cầu mà trong đó đức tin và những hành động của chúng ta đều hoàn toàn dựa trên nền tảng của Kinh Thánh. 

Tôi tin chắc rằng ngày hôm nay Chúa vẫn tiếp tục dẫn dắt hội thánh của Ngài cũng như Ngài đã từng làm trong quá khứ nếu chúng ta cùng chịu hạ mình xuống đến với nhau, chia sẻ những suy nghĩ và nhận thức của chúng ta, khẩn thiết cầu nguyện và học hỏi lời của Chúa, và mở lòng mình ra để nghe theo sự chỉ bảo của Ngài. 
 
1 E. Larsson, “Ze-teo, Ze-te-ma,” Exegetical Dictionary of the New Testament, vol. 2, pp. 102, 103.
2 “Candid Investigation Necessary to an Understanding of the Truth,” The Signs of the Times, May 26, 1890.
3 The Acts of the Apostles, p. 195.
4 Ibid., p. 190.
5 “Adventist Church Administration Commits to Comprehensive Study of Ordination,” by Elizabeth Lechleitner.http://www.adventistreview.org/article/3625/archives/issue-2010-1526/adventist-church-administration-commits-to-comprehensive-study-of-ordination

 

 (Theo Adventistworld.org)
Chia sẻ Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment