[TIỂU SỬ] Mục Sư Trần Công Tấn

Mục sư TRẦN CÔNG TẤN - Hội Trưởng Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam
Cụ bà Trần Thị Tư sinh được sáu người con là Nguyễn Văn Tươi, Nguyễn Thị Tình, Nguyễn Văn Hỷ, Nguyễn Thị Bảy và Trần Thị Hoa. Chàng trai Trần Công Tấn là con thứ năm trong gia đình, theo miền Nam gọi là thứ sáu. Từ làng quê tại tỉnh Vĩnh Long thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Thuở nhỏ, chồng mất sớm (bà quyết định không đi thêm bước nữa) bà vừa làm chồng vừa làm cha nuôi các con ăn học đến ngày khôn lớn. Bà và con trai đã sớm tiếp nhận Chúa làm Đấng Cứu Thế cho cuộc đời mình.

Đến năm 1959, gia đình chuyển về cư ngụ tại Quận 4, Sài-gòn.

Từ năm 1965 – 1966 ông tin Chúa, sinh hoạt thờ phượng Chúa tại Hội Thánh Đất Mới tại số 273 Nguyễn Văn Trỗi, Quận Phú Nhuận. Ông được làm phép Báp-têm ngày 14/5/1966 tại đây.

Từ năm 1966 đến năm 1969, ông học thần học tại Trung tâm huấn luyện Cơ Đốc Việt Nam là một chủng viện Cơ Đốc Phục Lâm tại số 15bis đường Đặng Văn Ngữ, Quận Phú Nhuận.

Khi học thần học, ông đã quen biết và tìm hiểu với cô Trần Thị Để, một học viên của lớp điều dưỡng Cơ Đốc Phục Lâm, sau này, cô là nữ điều dưỡng của bệnh viên Cơ Đốc. Hai ông bà kết hôn vào ngày 28/10/1971. Thời gian sau ông bà có được bốn người con là Trần Trọng Khương, Trần Thị Trúc Khanh, Trần Quốc Khôi và Trần Việt Khải. Ông đã khuyến khích người con trai học thần học và hiện nay ông có một con trai nối nghiệp là mục sư Trần Quốc Khôi.

Từ năm 1970 đến 1975 ông được Ban Quản Trị Giáo Hội cử làm mục sư chủ tọa các Hội Thánh tại Túy Loan - Đà Nẵng, Đại Lộc - Quảng Nam.

Sau năm 1975 kinh tế cả nước gặp vô vàn khó khăn, ông phải vừa làm chủ tọa lại phải đi làm cho một cơ sở sản xuất ở Phú Nhuận để mưu sinh cho gia đình, nuôi vợ con trong những năm tháng vô vàn khó khăn của cuộc sống. “Chim trời ai dễ đếm lông, Nuôi con ai dễ đếm công tháng này”. Cho đến khi Giáo Hội có 1/10 tạm đủ cho phụ cấp thì ông mới nghỉ việc sản xuất để chỉ lo công việc cho Hội Thánh.

Từ năm 1975 – 1980 ông làm mục sư chủ tọa Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm
Phú Nhuận và là thành viên Ban Quản Trị Giáo Hội.

Từ năm 1984-2007 ông đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư Ký và chủ tọa Hội Thánh Phú Nhuận.

Từ năm 2008-2015 Đại Hội Đồng lần I và lần II ông được tín nhiệm vào chức vụ Hội Trưởng Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam và là mục sư chủ tọa Hội Thánh Phú Nhuận.

Do ảnh hưởng của môi trường sống, nguồn nước, thức ăn, khí thải, hằng năm có rất nhiều người Việt Nam bị ung thư. Mục sư đã chiến đấu với căn bệnh này trong suốt 3 năm rưỡi, ông đã kiên trì cầu nguyện và phó thác tất cả cho Đức Chúa Trời, là Thầy Thuốc Vĩ Đại của chúng ta. Đã là người ai cũng phải trải qua sự chết, vì tội lỗi của thế gian! Chúng ta đều biết mọi người được sinh ra từ bụi đất nay trở về với bụi đất. Vào lúc 5 giờ 15 phút, ngày 22/6/2015 tại tư thất, số 2 Hoàng Văn Thụ, Phú Nhuận, mục sư Trần Công Tấn đã ngủ an trong Chúa.

Về gia đình, ông là một người cha mẫu mực với công lao to lớn, ca dao Việt Nam có câu “Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”, gia đình đã mất đi một người chồng độ lượng, để lại một người vợ cũng là một tín hữu trung tín của Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm Phú Nhuận, hai con trai, một người con gái, một con rể, một con dâu, hai cháu ngoại luôn thương nhớ về một người chồng, một người cha, một người ông hiền lành, trong nỗi thương tiếc vô hạn.

Giáo Hội mất đi một nhà lãnh đạo tài giỏi. Niềm mơ ước của ông là được mở mang nước Đức Chúa Trời trong suốt 63 tỉnh thành khắp nước Việt Nam. Ông đã thực hiện được 2/3 hoài bão của mình.

Hội Thánh kể từ nay mất đi một chủ tọa ân cần, đáng kính, thiếu vắng đi những bài giảng tràn đầy ơn Thánh Linh. Dầu muôn vàn khó khăn, mục sư vẫn luôn dành thời gian thăm viếng những thân, tín hữu gần xa, để an ủi động viên họ.

Bạn bè mất đi một người láng giềng chân thành, đáng kính.

Mục sư Trần Công Tấn “đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin” và đã ngủ yên trong Chúa, chờ ngày tái lâm của Chúa để được gặp Ngài trong nước vĩnh sanh, nơi không có đau buồn, lo lắng, bệnh tật và sự chết.

Mục sư là người có phước vì Kinh Thánh có ghi “Từ rày phước thay cho những người chết trong Chúa” (Khải huyền 14:6).

Mục sư đã để lại cho gia đình một gia tài to lớn đó là một niềm tin trong Cứu Chúa Giê-su Cơ Đốc. Cuộc đời của mục sư là tấm gương cho con cháu để vươn lên vào niềm tin tuyệt đối vào Chúa Giê-su là Đấng Cứu thế của nhân loại

Nguyện ước lớn nhất của mục sư là mọi thành viên trong họ hàng đều tin nhận Đức Chúa Giê-su. Mục sư cũng ước mong sẽ có hàng ngàn, hàng triệu người Việt Nam tin nhận Chúa, và sẽ có rất nhiều nhà thờ, nhà nguyện được xây dựng để thờ phượng Chúa. Tâm huyết của mục sư là được phụng sự Chúa cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời.

Cầu xin Ba Ngôi Đức Chúa Trời biến đau thương thành hành động, luôn gìn giữ đức tin của những người thân của tang quyến, để mục sư được Chúa biến hóa phục sinh, để trùng phùng với vợ con, dâu rể, cháu chắt và các tín hữu thương yêu của mục sư trong ngày phục lâm vinh hiển của Chúa Giê-su Cơ Đốc.
Chia sẻ Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment