Frank M. Hasel
Công việc của Đức Thánh Linh trong Kinh Thánh có điều gì đó rất thú vị. Đức Chúa Giê-su so sánh Đức Thánh Linh giống như gió (Giăng 3:8), và trong Cựu Ước thì cũng nói đến Đức Thánh Linh một cách tương tự như vậy: Ngài là ruach, tức là hơi thở, gió, hoặc là thần của Chúa (Sáng 1:2; Gióp 26:13; 33:4). Ngài giống như gió: không ai biết nơi Ngài đến hoặc đi. Ngài là vô hình, dù vậy, Ngài là thật. Mọi người đều biết và đều có những kinh nghiệm với Ngài. Cũng giống như hơi thở chúng ta thở, Đức Thánh Linh là rất cần thiết cho cuộc sống thuộc linh của chúng ta. Không có Ngài, chúng ta không thể tồn tại thuộc linh được, dù rằng Ngài thường đóng những vai trò phía sau (hậu trường) trong Kinh Thánh.
Vai Trò Của Đức Thánh Linh
Thật không có gì ngạc nhiên khi Đức Thánh Linh không có xuất hiện nhiều và nổi bật trong Kinh Thánh như Đức Chúa Cha hoặc là Đức Chúa Giê-su Christ. Một trong những nhiệm vụ nổi bật của Ngài là phát triển công việc cứu rỗi của Đấng Christ và hướng nhân loại đến với Đức Chúa Giê-su (Giăng 15:26). Không bao giờ sứ mạng của Đức Thánh Linh trong Kinh Thánh được ghi là “Hãy nhìn xem ta; hãy thờ phượng ta; hãy đến cùng ta; hoặc hãy nhận biết ta.” Thay vào đó, Đức Thánh Linh chúc tụng Đức Chúa Giê-su và tán dương sự vinh hiển của Ngài; Đức Thánh Linh hướng dẫn nhân loại biết đến sự cứu rỗi của Đức Chúa Giê-su và nhờ Ngài mà nhân loại được đến gần với Đức Chúa Cha. Đức Thánh Linh dẫn dắt con người để họ biết vâng theo những Lời được bày tỏ và khải thị của Đức Chúa Trời. Trong thế gian tội lỗi này nơi mà nhân loại chỉ chú trọng đến chủ nghĩa cá nhân và tự đề cao chính mình, sự đẹp đẽ của Đức Thánh Linh được thể hiện rõ ràng không phải bởi chính Ngài, mà bởi sự vô vị kỷ của Thiên Đàng. Đức Thánh Linh dạy dỗ chúng ta phải quy sự vinh hiển về Đức Chúa Trời, thông qua Đức Chúa Giê-Christ là Con của Ngài (Giăng 16:13-15). Vì lý do đó, những người tin theo Chúa được gọi là “Cơ Đốc Nhân”, chứ không phải “Thánh Linh Nhân.”1
Sự Cần Thiết của Đức Thánh Linh
Nếu không có Đức Thánh Linh, chúng ta sẽ không có được quyển Kinh Thánh như là nền tảng của đức tin của chúng ta. Những kiến thức về Đức Chúa Trời mà chúng ta có được đều bởi do Đức Thánh Linh ban cho. Đức Thánh Linh biết rằng Đức Chúa Trời không giống như bất kỳ vật thọ tạo nào. Và Đức Thánh Linh cũng đã dò xét được sự sâu rộng của Đức Chúa Trời (1 Cô-rinh-tô 2:10, 11). Vì lý do đó, Đức Thánh Linh hoàn toàn đặc biệt thích hợp và có đầy đủ thẩm quyền để bày tỏ Đức Chúa Trời và ý muốn của Ngài một cách đáng tin cậy, và chính xác, bởi Đức Thánh Linh chính là “Thần của Lẽ Thật” (Giăng 14:17; 15:26). Quả thật, cả quá trình của những sự khải thị và soi dẫn từ thiên đàng chính là công việc vô song của Đức Thánh Linh (2 Ti-mô-thê 3:16; 2 Phi-e-rơ 1:20, 21). Dầu vậy, kết quả của sự khải thị của Thánh Linh lại không phải là một Quyển Sách chủ yếu nói về Ngài, mà lại là một Quyển Sách hướng về Đức Chúa Giê-su Christ, Con của Đức Chúa Trời. (Lu-ca 24:25-27, 44, 45; Giăng 15:26; 16:14).
Đức Thánh Linh Soi Dẫn
Đức Thánh Linh cũng làm tỉnh thức chúng ta và giúp chúng ta cảm nhận được những sứ điệp từ thiên đàng và nhen nhuốm lên trong lòng chúng ta niềm khao khát vâng phục theo Lời của Đức Chúa Trời. Chính Đức Thánh Linh là Đấng đã ban cho chúng ta sự hiểu biết để cảm nhận được những gì Ngài soi dẫn chúng ta. (1 Cô-rinh-tô 2:12, 14, 15; Ê-phê-sô 1:17-19). Đức Thánh Linh không bao giờ đi trái ngược lại hay từ bỏ Kinh Thánh. Đức Thánh Linh không chỉ là tác giả của những Lời của Chúa được viết ra, mà Ngài còn đặc biệt liên quan đến Ngôi Lời đã trở nên xác thịt (Lu-ca 1:35).
Đức Thánh Linh Dẫn Dắt
Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng ngay từ buổi ban đầu, Đức Thánh Linh đã vận hành trên trái đất này. Ngài đã hiện diện ở đó khi trái đất được dựng nên (Sáng-thế-ký 1:2). Ngài đã hướng dẫn dân sự của Chúa bằng cách cho họ những sự hiện thấy và những giấc mơ thông qua các đấng tiên tri (ví dụ như Đa-ni-ên 2:19; 7:1; 2 Sa-mu-ên 23:2). Ngài ban quyền phép cho nhiều cá nhân và nhiều vị vua để họ dẫn dắt và giải cứu dân Y-sơ-ra-ên (Các quan xét 3:10; 6:34; 11:29). Ngài hướng dẫn hội thánh trong thời Tân Ước, (Công-vụ 1:8; 2:38; 13:1-4, 9; 20:28) và Ngài trang bị cho hội thánh để có thể rao truyền về tin lành đời đời của Đức Chúa Giê-su ra cho dân ngoại, và Ngài sửa soạn cho thế gian để cùng chuẩn bị cho sự tái lâm nhanh chóng của Đấng Christ.
Đức Thánh Linh Mang Lại Sự Thức Tỉnh
Về phương diện cá nhân, Đức Thánh Linh chính là Đấng Tạo Hóa của đời sống thuộc linh của chúng ta (Giăng 3:5, 6). Ngài chính là Đấng làm tỉnh thức tấm lòng chết mất, đầy tội lỗi của chúng ta (hãy xem Ê-hê-sô 2:1; Ê-xê-chi-ên 36:26, 27) và mở đôi mắt mù lòa của chúng ta (Công-vụ 26:18; 2 Cô-rinh-tô 4:4) để chúng ta nhận thức được thực tế dối trá của tội lỗi. Ngài đã khuấy động lương tâm lạc lối của chúng ta, mang lại cho chúng ta sự thức tỉnh để cảm biết về sự công bình và đoán xét của thiên đàng, và giúp chúng ta hướng về sự ăn năn tội (Giăng 16:8-11).
Đức Thánh Linh Giúp Hình Thành Tính Cách
Một khi chúng ta chấp nhận Đức Chúa Giê-su Christ là Đấng Cứu Chuộc duy nhất của chúng ta, Đức Thánh Linh sẽ ban cho chúng ta sự bảo đảm rằng chúng ta đã được nhận làm con của Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:16). Đức Thánh Linh không chỉ dẫn dắt tội nhân trở về cùng Đức Chúa Giê-su, mà Ngài còn phá tan quyền lực của tội lỗi và ban cho những kẻ tin một cuộc sống chiến thắng thông qua huyết của Đấng Christ (Khải-huyền 12:11). Khi Đức Thánh Linh thanh tẩy chúng ta khỏi tội lỗi và thánh hóa chúng ta (1 Cô-rinh-tô 6:11), Ngài sẽ biến đổi đức tính của chúng ta để trở nên giống như đức tính thượng thiên (2 Cô-rinh-tô 3:18) và giúp sản sinh ra những trái của Thánh Linh trong lòng chúng ta (Ga-la-ti 5:22, 23).
Đức Thánh Linh Hiệp Nhất Hội Thánh
Qua Đức Thánh Linh, chúng ta được hoàn toàn hiệp nhất với Đấng Christ. Chính công việc này của Ngài trên cá nhân chúng ta dẫn dắt chúng ta hướng về một cộng đồng đức tin cụ thể: hội thánh. Chúng ta chịu phép báp-têm bởi một Thánh Linh vào trong thân thể của Đấng Christ (1 Cô-rinh-tô 12:13). Và điều này được thực hiện trong danh của một Chúa chân thật: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh (Ma-thi-ơ 28:19), điều này chứng tỏ rằng Đức Thánh Linh hoàn toàn mang thần tánh cũng như Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Vì thế, hội thánh của Chúa được gọi là đền thờ của Đức Thánh Linh (1 Cô-rinh-tô 3:16, 17; Ê-phê-sô 2:19-22). Khi trải nghiệm được sự cứu rỗi chỉ bởi đức tin trong một mình Đức Chúa Giê-su Christ mà thôi, hội thánh của Chúa sẽ có được mối thông công với Đức Thánh Linh (hãy xem 2 Cô-rinh-tô 13:13; Phi-líp 2:1, 2). Đức Thánh Linh xây dựng nên cộng đồng đức tin trong căn nhà thuộc linh của chúng ta là làm cho chúng ta trở thành nhà ở của Đức Chúa Trời “trong Thánh Linh” (Ê-phê-sô 2:22). Đức Thánh Linh trỡ giúp những người tin Chúa và Ngài là “Đấng Trợ Giúp,” Đấng Yên Ủi”, hoặc là “Đấng Khuyên Bảo” như từ parakletos đã được dịch ra (Giăng 14:16). Đức Thánh Linh cũng nhiệt tình hỗ trợ và trang bị cho những thành viên khác nhau trong thân thể của Đấng Christ bằng cách ban cho họ những khả năng thuộc linh mà Ngài thấy thích hợp cho từng người (1 Cô-rinh-tô 12:11) và Ngài cũng làm phát sinh trong lòng chúng ta sự yêu thương (Rô-ma 5:5; Ga-la-ti 5:22).
Đức Thánh Linh Biến Đổi
Đức Thánh Linh làm việc cách hòa hợp, nhịp nhàng cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con để hoàn thành chương trình cứu rỗi cho chúng ta. Với sứ mạng cao cả này, công việc của Đức Thánh Linh được mô tả như chính sự hiện diện và ảnh hưởng uy nghi, vĩ đại của Đức Chúa Trời. Trong tiếng Anh, từ ngữ “vĩ đại” nói lên một điều gì đó vượt quá sự tuyệt vời. Nó nói lên một điều gì đó phi thường của tự nhiên, và được trở nên cao cả về mặt giá trị và sự tôn quý. Nó biến đổi một điều gì đó từ giá trị thấp hèn trở nên cao trọng, đáng giá. Chức vụ của Đức Thánh Linh quả thật là vĩ đại và cao cả thiên thượng. Ngài thi hành chức cụ của mình mà không hề có sự miễn cưỡng nào, và Ngài là Đấng vô cùng mạnh mẽ, đầy quyền năng. Đức Thánh Linh là món quà vĩ đại mà chính Đức Chúa Trời ban cho chúng ta để dẫn dắt chúng ta vào sự biến cải cuộc sống của mình và mang lại cho chúng ta mối thâm giao vui mừng cùng với Đức Chúa Giê-su Christ và Đức Chúa Cha.
1 Graham A. Cole, He Who Gives Life: The Doctrine of the Holy Spirit (Wheaton, Ill.: Crossway Books, 2007), p. 284.
Frank M. Hasel, Tiến Sĩ, là giáo sư và là trưởng khoa Thần Đạo tại Seminar Schloss Bogenhofen, Áo.
(Theo Adventistworld.org)
Blogger Comment
Facebook Comment