Đức Chúa Giê-su: Kẻ nói dối, người điên, hay là Chúa?


 
Dức Chúa Giê-su chưa bao giờ tồn tại. Trong suốt thế kỷ 20, đó chính là quan niệm vượt trội tại Liên Ban Xô-viết. Lãnh đạo của đất nước đã xem trọng quan điểm này đến nỗi những sự tranh luận chống lại sự tồn tại của Đức Chúa Giê-su được đem vào cả trong sách giáo khoa của trường học và đại học. 

Ngày nay, quan niệm này không còn là quan niệm chiếm ưu thế nữa, bởi vì cả những người không tin lẫn những học giả Kinh Thánh đều không thể chối bỏ những bằng chứng hùng hồn về sự tồn tại của Đức Chúa Giê-su.1 Nhưng sự tranh cãi rằng Đức Chúa Giê-su thật sự là ai thì chưa bao giờ gây cấn và mãnh liệt như lúc này. Thập kỷ vừa qua được xem như là thời điểm có sự gia tăng mạnh mẽ đặc biệt về những sự tranh đấu liên quan đến Đức Chúa Giê-su. Trong năm 2003 và năm 2005, là Bí ẩn mật mã Da Vinci của Dan Brown, trong năm 2006 là Tin lành bị đánh mất của Giu-đa, trong năm 2007 là Ngôi mộ thất lạc của Đức Chúa Giê-su, và trong năm 2012 là Bí ẩn ngôi mộ phục sinh. Đối với những người tin Chúa, có thể dễ dàng để họ bỏ qua tất cả những tranh cãi này và xem như là những âm thanh vô nghĩa đến từ thế giới của những người không tin; tuy nhiên, cũng rất quan trọng để hiểu được rằng những cáo buộc này thật sự không chính xác ở những điểm nào. Trong khi hầu hết mọi người và các học giả có vẻ đồng ý rằng Đức Chúa Giê-su quả thật có hiện diện và sống, nhưng cũng còn có nhiều sự thảo luận về câu hỏi then chốt đó là thật sự Ngài là ai.
 
Đức Chúa Giê-su là Chúa
Đối với Cơ Đốc Nhân, câu hỏi then chốt là liệu Đức Chúa Giê-su có phải thật sự là Chúa hay không.2 Một vài người nói rằng Ngài là một nhà hiền triết khôn ngoan;3 người khác cho rằng Ngài là một nhà tiên tri; còn những người khác nữa thì nói rằng Đức Chúa Giê-su là Đấng Cứu Chuộc.4Có những học giả Kinh Thánh tuyên bố rằng các sách Tin Lành đã tự đưa ra những ngăn trở trong việc giải thích rằng Đức Chúa Giê-su mang bản tính thần tánh. Những người hoài nghi dựa trên những sự ghi chép lại trong phần đầu của các sách tin lành (Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca) và nói rằng Đức Chúa Giê-su chưa bao giờ tuyên bố rõ ràng, dứt khoát rằng Ngài chính là Chúa. Họ tuyên bố rằng khái niệm cho rằng Đức Chúa Giê-su mang bản tính thần tánh là sự gán ghép, bịa đặt ra bởi các sứ đồ và chỉ được tìm thấy trong tin lành Giăng mà thôi (Giăng 8:58; 10:30; 20:28), vì sách tin lành Giăng được viết rất trễ so với ba sách tin lành kia. Vậy, họ nói có đúng không?5 Có phải bản tính thần tánh của Đức Chúa Giê-su đơn giản chỉ là sự sáng tạo của những người thành lập hội thánh buổi ban đầu? 
 
Con Trai
Đức Chúa Con đã trở thành con người trong hình hài Đức Chúa Giê-su Christ. Bởi Ngài muôn vật được dựng nên, bản tích của Đức Chúa Trời được tỏ ra, sự cứu rỗi dành cho nhân loại được thực hiện, và thế gian bị xét đoán. Đức Chúa Trời chân thật đời đời, trở thành một con người chân chật, là Đức Chúa Giê-su Christ. Ngài được thụ thai bởi Đức Thánh Linh và được sanh ra bởi người nữ đồng trinh Ma-ry. Ngài đã sống và nếm trải những sự cám dỗ như loài người, nhưng đã trọn vẹn làm tấm gương phản chiếu tình yêu thương và sự công bình của Đức Chúa Trời. Qua những phép lạ Ngài thực hiện, Ngài đã biểu lộ quyền năng của Đức Chúa Trời và Ngài cũng đã được chứng thực như lời Chúa đã hứa về Đấng Mê-si. Ngài đã tình nguyện chịu đau khổ và chịu chết trên thập tự giá vì tội lỗi của chúng ta và thế chỗ cho chúng ta, Ngài đã được gọi dậy từ trong sự chết, và được đưa về trời để thi hành chức vụ trong đền thánh trên trời với tư cách là người đại diện cho chúng ta. Ngài sẽ trở lại trong sự hiển vinh để mang đến sự giải thoát sau cùng cho dân sự Ngài và phục hồi lại mọi vật. (Giăng 1:1-3, 14; Cô-lô-se 1:15-19; Giăng 10:30; 14:9; Rô-ma 6:23; 2 Cô-rinh-tô 5:17-19; Giăng 5:22; Lu-ca 1:35; Phi-líp 2:5-11; Hê-bơ-rơ 2:9-18; 1 Cô-rinh-tô 15:3, 4; Hê-bơ-rơ 8:1, 2; Giăng 14:1-3.)
Tin Lành theo Mác được cho là sách tin lành đầu tiên viết về cuộc sống của Đức Chúa Giê-su. Ngay từ đầu chúng ta đã có thể nhận thấy sự khẳng định rõ ràng rằng Đức Chúa Giê-su quả thật là Chúa. Mác đoạn 2 kể về câu chuyện của Đức Chúa Giê-su chữa lành cho người bị bại. Một điều thú vị đáng lưu ý trong câu chuyện này là Đức Chúa Giê-su không chỉ chữa lành cho người đàn ông, mà Ngài còn tha thứ mọi tội lỗi của ông ấy nữa. Phản ứng của đoàn dân đông về điều này rất đáng chú ý: “Sao người nầy nói như vậy? Người nói phạm thượng đó! Ngoại một mình Đức Chúa Trời, còn có ai tha tội được chăng?” (Mác 2:7).6 Tất cả những ai chứng kiến hành động này đều biết rằng sự tha thứ tội lỗi là đặc quyền của chỉ một mình Đức Chúa Trời. Nhưng ở đây Đức Chúa Giê-su thể hiện cách rõ ràng bản tánh thần tánh của Ngài bằng cả lời nói và hành động. Cũng trong đoạn Kinh Thánh này, Đức Chúa Giê-su lại tiếp tục tuyên bố rằng Ngài là “Chủ ngày Sa-bát” (Mác 2:28). Đây quả thật là một câu nói táo bạo. Ngay cả chính Đức Chúa Trời cũng tôn trọng ngày Sa-bát; vì vậy với câu tuyên bố này, Đức Chúa Giê-su đã đặt mình ngang hàng với Đức Chúa Trời. 

Trong đoạn Kinh Thánh tiếp theo, chúng ta thầy một ví dụ rõ ràng khác về bản tính thần tánh của Đức Chúa Giê-su. Các thầy thông giáo cáo buộc Đức Chúa Giê-su rằng việc Ngài đuổi quỷ Bê-ên-xê-bun ra là nhờ vào phép chúa quỷ (Mác 3:22). Nhưng câu trả lời của Đức Chúa Giê-su lại biểu thị một lời tuyên bố thiêng liêng khác: “Chẳng ai có thể vào nhà một người mạnh sức cướp lấy của người, mà trước hết không trói người lại; phải trói người lại rồi mới cướp nhà người được” (câu 27). Sa-tan là một kẻ mạnh mẽ trên thế gian này, nhưng Đức Chúa Giê-su mạnh mẽ hơn Sa-tan, và Ngài đã giải thoát cho những con tin bị giam giữ trong xiềng xích của Sa-tan. Chỉ có Đức Chúa Trời mới có đủ thẩm quyền và quyền lực để trói buộc Sa-tan. 

Đọc kỹ lại những đoạn đầu tiên của sách tin lành được ghi chép lại đầu tiên cho thấy rằng (1) Đức Chúa Giê-su có thẩm quyền tha thứ tội lỗi; (2) Ngài là Chủ của ngày Sa-bát; và (3) Ngài có quyền hạn trên Sa-tan. Tất cả những đặc tính này là của Đức Chúa Trời và chỉ mình Ngài mà thôi. 

Có lẽ C. S. Lewis đã nói hay nhất trong quyển sách của ông với tựa đề Mere Christianity rằng: “Tôi đang cố gắng để ngăn cản những ai hay nói về một điều rất ngu ngơ về Đức Chúa giê-su rằng: ‘Tôi sẵn sàng chấp nhận Đức Chúa Giê-su như một thầy giáo đạo đức vĩ đại, nhưng tôi không chấp nhận lời tuyên bố của Ngài rằng Ngài chính là Đức Chúa Trời.’ Đó chính là điều mà chúng ta không nên nói. Một người nếu chỉ là một con người mà nói những điều mà Đức Chúa Giê-su đã nói thì không thể nào là một thầy giáo đạo đức vĩ đại được. Người đó chỉ có thể là một người điên – ngang hàng với người tự nhận rằng mình là quả trứng bị thả vào nước sôi — hoặc người đó sẽ là ma quỷ đến từ địa ngục. Bạn phải tự chọn lựa lấy. Hoặc là Ngài đã và vẫn là Con của Đức Chúa Trời: bằng không thì là một người điên hoặc còn tệ hơn thế nữa. Bạn có thể bịt miệng Ngài lại như một kẻ dại dột, bạn có thể nhổ vào mặt Ngài và giết Ngài như ma quỷ; hoặc bạn có thể quỳ xuống dưới chân Ngài và gọi Ngài là Chúa, là Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta chớ đến với bất cứ lập luận vô lý, bậy bạ nào đại loại như Ngài là một con người, một thầy giảng vĩ đại. Ngài không hề có ý để cho chúng ta làm như thế.7

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà trong đó những người học rộng và rất thông minh tuyên bố rằng Đấng Christ không hơn gì một thầy giáo khôn ngoan là người mà sau này được gán cho danh hiệu “thần tánh” bởi các môn đồ tin theo Ngài. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng ngay cả những ghi chép xưa nhất về cuộc sống của Đức Chúa Giê-su đã khá rõ ràng và công khai ám chỉ rằng Ngài mang bản tính thần tánh. Nếu Đức Chúa Trời (trong Đức Chúa Giê-su) đã sẵn sàng để đến và cứu vớt chúng ta, đổi lại chúng ta có thể làm gì ngoài việc phó dâng chính mình cho Ngài – tấm lòng, bản ngã và mọi thứ khác. Sự hy sinh cứu chuộc của Ngài là hy vọng duy nhất cho chúng ta. Sự hiện diện của Ngài sẽ lấp đầy khoảng trống trong tấm lòng của chúng ta là chính cái khoảng trống mà A-đam và Ê-va đã để lại khi họ nghe theo lời dụ dỗ của con rắn. Sự chiến thắng của Ngài sẽ là sự chiến thắng của chúng ta. 
 
1 Có ít nhất 8 sự thật không thể tranh cãi được về Đức Chúa Giê-su: (1) Đức Chúa Giê-su đã chịu phép báp têm bởi Giăng Báp-tít; (2) Đức Chúa Giê-su là người Ga-li-lê là người đã đi rao giảng và chữa lành nhiều bệnh tật; (3) Đức Chúa Giê-su kêu gọi các môn đồ và Ngài đã chọn 12 người làm môn đệ Ngài; (4) Đức Chúa Giê-su giới hạn những hoạt động của Ngài trong vòng dân Y-sơ-ra-ên; (5) Đức Chúa Giê-su đã tham gia vào những tranh luận về đền thờ; (6) Đức Chúa Giê-su đã chịu đóng đinh bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem bởi những nhà cầm quyền La-mã; (7) Sau cái chết của Đức Chúa Giê-su, các môn đồ của Ngài vẫn tiếp tục như một phong trào có thể nhận biết được; (8) Ít nhất có vài người Giu-đa bắt bớ một phần nào đó của phong trào mới (Ga-la-ti 1:13, 22; Phi-líp 3:6), và có vẻ như sự bắt bớ này kéo dài đến gần hết thời kỳ của Phao-lô (2 Cô-rinh-tô 11:24; Ga-la-ti 5:11; 6:12; Mác 23:34; 10:17). E. P. Sanders, Jesus and Judaism (Minneapolis: Fortress Press, 1985), trang 11.
2Các học giả đã đề nghị quan điểm này gồm có John Dominic Crossan, Robert Funk, Burton Mack, và Stephen J. Patterson.
3Bart Ehrman, Paula Fredriksen, Gerd Lüdemann, John P. Meier, và E. P. Sanders tán thành lý thuyết này.
4Một vài đại diện của lý thuyết tin rằng Đức Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế gồm có Luke Timothy Johnson, Robert H. Stein, và N. T. Wright.
5Bart D. Ehrman, Jesus, Interrupted: Revealing the Hidden Contradictions in the Bible (and Why We Don’t Know About Them) (New York: Harper Collins, 2009), trang 249.
6Texts credited to NIV are from the Holy Bible, New International Version. Copyright  1973, 1978, 1984, 2011 by Biblica, Inc. Used by permission. All rights reserved worldwide.
7C. S. Lewis, More Christianity (New York: Macmillan, 1952), pp. 40, 41.

 


(Theo Adventistworld.org)
Chia sẻ Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment