Chúng tôi biết nhau 19 năm trước khi cả hai chúng tôi đồng ý lập gia đình với nhau.
Khi mới gặp nhau, chúng tôi được 5 và 7 tuổi. Trải qua nhiều năm chúng tôi giống như là anh em với nhau cho đến một ngày chúng tôi chợt nhận ra rằng chúng tôi yêu nhau nhiều đến mức chúng tôi không bao giờ muốn rời xa nhau.
Ngày nay, khi nhìn lại quãng thời gian 9 năm vừa qua trong quá khứ khi chúng tôi ở bên cạnh nhau, chúng tôi thấy những thung lũng đầy cỏ xanh, và chúng tôi cũng thấy cả những lúc khi chúng tôi cùng trải qua những hoang mạc khô cằn và đầy sỏi đá.
Gia đình có thể là một chốn của tình yêu thương, hạnh phúc, và mật thiết, là nơi mà những đức tính và lòng tự trọng của những người phối ngẫu và con cái phát triển trong một môi trường thật lành mạnh và an toàn. Tuy nhiên, đối với một số người khác, chỉ danh từ “gia đình” có thể mang đến cho họ cảm giác sợ hãi, giận dữ, hoặc những khổ đau vì những kinh nghiệm đau đớn họ đã từng trải qua.
Sự Sáng Tạo
Hôn nhân là một trong những món qua nguyên thủy của Đức Chúa Trời – ban cho nhân loại từ trong vườn Ê-đen – và Ngài đã bảo tồn món quà này trải qua bao thời đại. Đức Chúa Trời đã tạo nên mối thâm giao yêu thương để cho chúng ta cảm nhận được cảm giác vui mừng và thuộc về nhau. Mục đích để dạy dỗ và giúp chúng ta hiểu được tình yêu thương vô điều kiện của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Chúa muốn A-đam được hạnh phúc và hoàn toàn thỏa lòng, mãn nguyện nên Ngài đã tạo nên một người giống như ông (Sáng. 2:18-21). Khi A-đam thức dậy trong buổi chiều thứ sáu đó, ông hoàn toàn tin chắc rằng người phụ nữ đang đứng trước ông là thuộc về ông. Lần đầu tiên gặp mặt người nữ này, A-đam đã thốt lên rằng: “Người nầy xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra” (Sáng. 2:23).
Vào buổi chiều thứ sáu trong tuần lễ tạo thế, câu chuyện tình yêu đầu tiên đã bắt đầu.
Khi chúng ta cố gắng hình dung những ngày đầu tiên A-đam và Ê-va sống cùng nhau và họ cùng vui thích ngắm xem những vật thọ tạo khác, khám phá những nơi mới mẻ, chiêm ngưỡng những vẻ tuyệt mỹ của tạo hóa, chúng ta có thể tưởng tượng được rằng họ đã cảm thấy hạnh phúc và biết ơn như thế nào. Bà Ellen White đã miêu tả những phút giây tuyệt vời này một cách thật chính xác: “cặp vợ chồng thánh khiết này cùng hòa tiếng với các loài chim chóc, và cất tiếng hát vang những bài hát chúc tụng tình yêu, ngợi khen và tán phục đến Đức Chúa Cha, và đến Con Trai yêu dấu của Ngài vì những món quà vĩ đại về tình yêu mà Ngài đã phủ quanh họ. Họ nhận thức được rằng tất cả những sự sắp xếp và cân đối của sự sáng thế đã nói lên về sự khôn ngoan và kiến thức của Đấng Tạo Hóa là vô tận.” 1
Khủng Hoảng
Chúng ta không biết A-đam và Ê-va đã ở trong vườn Ê-đen xinh đẹp đó được bao lâu trước khi tội lỗi xâm nhập vào thế giới. Điều đó không những chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa họ và Đức Chúa Trời, nó còn làm cho hôn nhân của họ bị lung lay. Vâng, họ đã thưởng thức được tình yêu tuyệt vời, toàn mỹ; tuy nhiên, ngay sau khi họ phạm tội, A-đam đã đổ lỗi cho cả Đức Chúa Trời và cho Ê-va (Sáng 3:12).
Cả A-đam và Ê-va đều đã cố gắng để bảo vệ chính bản thân mình và sẵn sàng hy sinh người kia. Lợi ích của bản thân họ là bằng chứng cho thấy những cuộc khủng hoảng đã xảy ra ngay tại thời điểm đó trong mối quan hệ của họ.
Kể từ lúc đó, loài người chúng ta đều phải đối mặt với những thử thách tương tự trong hôn nhân vì có rất nhiều lần chúng ta chỉ chú ý đến bản thân mình thay vì thận trọng đặt người khác lên trên và lên trước chúng ta. Con số của những vụ li dị luôn tăng nhanh và cao như những nhà trọc chời ở khắp các nơi trên thế giới. Việc ngoại tình trở nên giống như một hiện tượng “bình thường” mới trong xã hội ngày hôm nay. Dầu vậy, câu nói rõ ràng của Đức Chúa Giê-su trong Ma-thi-ơ 19:6 đã nhắc nhở cho chúng ta về kế hoạch từ thuở ban đầu của Chúa rằng: “Loài người không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp!”
Chúng ta hãy ghi nhớ lời chú giải quan trọng của bà Ellen White: “Dù cho những sự khó khăn, rắc rối và nản lòng có thể xảy đến, cả người chồng lẫn vợ chớ có ai có suy nghĩ trong đầu rằng sự kết hợp của họ là một sai lầm hoặc là một sự thất vọng.”2 Nhiều người sung sướng, reo vang khi họ tìm thấy được “tình yêu của cuộc đời mình”, nhưng họ quên mất đi rằng hôn nhân đòi hỏi một sự hòa hiệp chân thật và tinh thần sẵn sàng để cho đi, để đón nhận và để cùng nỗ lực cho mối quan hệ đó.
Cơ Hội
Tiếng chuông ngân vang, mọi thứ đã sẵn sàng; khách khứa đang chờ đợi cô dâu và chú rễ cùng bước vào con đường trải thảm sẵn. Tiếng nhạc du dương bắt đầu trổi dậy. Một bài giảng chứa đựng những lời khuyên nhủ từ trong Kinh Thánh đã hoàn tất buổi lễ hôn phối, và cuối cùng người nam và người nữ được công bố là chồng vợ.
Trong Truyền Đạo 4:12 chúng ta hiểu được thêm về khái niệm của “sợi dây bện ba,” và chúng ta rất sử dụng câu Kinh Thánh này trong các buổi lễ hôn phối. Nó nhấn mạnh về sự quan trọng của nguyên tắc kề vai sát cánh cùng nhau, và không phân rẽ, tách rời khỏi nhau. Điều này cũng được áp dụng cho mối quan hệ của chúng ta với Chúa, cũng như mối quan hệ của các người phối ngẫu với nhau. Khi chúng ta học cách sống áp dụng theo nguyên tắc này vào trong cuộc sống của chúng ta, gia đình của chúng ta sẽ trở nên một nơi có hạnh phúc thật, có sự am hiểu, cảm thông lẫn nhau và an toàn.
Tác giả người Pháp Antoine de Saint Exupéry có lần đã nói rằng: “Yêu nhau là không phải nhìn nhau; mà là cả hai đều nhìn về cùng một hướng.” Lời khuyên nhủ này rất quan trọng đối với chúng ta. Trong A-mốt 3:3 ám chỉ cùng một nguyên tắc như vậy: “Nếu hai người không đồng ý với nhau, thì há cùng đi chung được sao?” Dĩ nhiên chúng ta yêu thích sự đẹp đẽ của tình yêu đôi lứa; chúng ta quý trọng những tài trí và tinh thần tử tế của họ; nhưng có những điều không kém quan trọng chút nào so với các điều ấy, đó chính là phải nhìn vào những mục đích của tương lai, phải có cùng chung quan điểm về những giá trị và động lực trong cuộc sống, và cùng chia sẽ đức tin giống nhau (Phục 7:3, 4). Ngày nay, cuộc sống luôn làm cho chúng ta lúc nào cũng bận rộn. Công việc, tiêu khiển, việc nhà, con cái và những ràng buộc khác làm cho chúng ta cảm thấy bị quá tải khi phải chạy sô từ công việc này sang sự kiện kia và hầu như chúng ta không có được chút nghỉ ngơi nào để có thể hít thở một cái thật sâu. Nhưng nếu chúng ta đồng ý cùng bước đi với Chúa, chúng ta cũng cần phải tìm thời gian để có thể trò chuyện với Ngài. Chúng ta chắc hẳn đã từng nghe các vị mục sư nói rằng: “những ai cùng cầu nguyện với nhau, sẽ ở cùng với nhau!” Có những lúc cả hai vợ chồng quá bận rộn với công việc của mình đến nỗi những gì chúng ta nói chuyện với nhau chỉ là những thông tin tất yếu để tiếp tục duy trì gia đình của mình. Chúng ta phải nhận thấy được rằng chúng ta cần phải dừng lại để tìm thời gian ở cùng với nhau, và trong khoảng thời gian đó chúng ta có thể trò chuyện cùng nhau, nói cho nhau nghe những điều gì đã làm cho lòng của chúng ta cảm động, hoặc hạnh phúc trong ngày hôm đó. Chúng ta cùng chia sẻ những khó khăn, và những nỗi vui buồn trong cuộc sống, rồi cùng với nhau chúng ta sẽ dâng trình hết mọi điều đó cho Chúa. Trong những lúc cùng suy gẫm lại cuộc sống và cùng nhau cầu nguyện như thế này, chúng ta học cách lắng nghe lẫn nhau và qua đó chúng ta sẽ cùng được làm tươi mới lại bởi Chúa. Chúng ta học cách tìm kiếm những phẩm chất tốt đẹp từ vị phối ngẫu của mình và bắt đầu tha thứ cho nhau.
Đôi khi chúng ta làm cho người phối ngẫu của mình đau lòng, hoặc những gì họ làm làm cho chúng ta cảm thấy đau lòng. Nhưng Ê-phê-sô 4:26 cho chúng ta một lời khuyên nhủ rất tuyệt vời cho mỗi hôn nhân: “Chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn”3 Trước khi chúng ta đi ngủ, chúng ta nên cầu xin sự tha thứ. Giấc ngủ của chúng ta sẽ ngon hơn và chúng ta sẽ bắt đầu một ngày mới không chút vướng bận nào, mà sẽ là một ngày tươi sáng và đẹp đẽ. Cách chúng ta đối xử với người khác sẽ là một tấm gương để cho con cái chúng ta và những người chung quanh chúng ta. Có một câu ngạn ngữ Ý như sau: “la vita è bella”—“cuộc sống thật đẹp đẽ thay.” Và chúng tôi muốn thêm vô câu ngạn ngữ ấy rằng “il matrimonio è bello”—“hôn nhân thật đẹp đẽ thay.”
Rốt lại, tình yêu không chỉ là một cảm giác – mà là một nguyên tắc. “Tình yêu thương là nhịn nhục, là nhân từ” (1 Cô-rinh-tô 13:4).
1 Ellen G. White, Câu Chuyện Cứu Chuộc (Washington, D.C.: Review & Herald Pub. Assn., 1947), trang. 22.
2Ellen G. White, Gia Đình Cơ Đốc (Washington, D.C.: Review and Herald Pub. Assn., 1952), trang 106.
3Những câu Kinh Thánh sử dụng trong bài được trích từ Kinh Thánh bản dịch Quốc Tế mới (bản tiếng Anh). Bản quyền 1973, 1978, 1984, 2011 bởi Biblica, Inc. Chỉ được sử dụng khi có sự cho phép. Tất cả các bản quyền sử dụng được áp dụng trên toàn cầu.
Khi viết bài báo này, David và Doris Lumpi cùng đang hầu việc tại Đại Học Asia-Pacific International tại Thái Lan chung với hai con gái của họ là Lorna Joy and Lina Grace. Họ vừa mới trở về nhà mình tại Áo.
(Theo Adventistworld.org)
Blogger Comment
Facebook Comment